Ðó là chữ thường thấy trong Tân, Cựu Ước: hoặc dùng để chỉ về người cho ân điển, hoặc chỉ về Chúa ban ân điển. 

Ân điển của Chúa là lời nói, việc làm Ngài tỏ ra có tánh chất yêu thương người, chẳng những yêu thương người lành, mà cả kẻ dữ nữa. 

Ân điển rõ hơn hết tức là cái ơn cứu rỗi. Ðức Chúa Trời là Ðấng Toàn năng thương xót, nhơn lành, dung thứ, nhịn nhục, thành thực ban ân điển cho người ta đến hàng ngàn đời, tha thứ hết mọi tội lỗi (Xuất Ê-díp-tô ký 34:6, 7.). 

Nay xét kỹ ý nghĩa về chữ ân điển nầy, rồi chia làm hai phần mà nói:

I. Cựu Ước.

Luật pháp đã ban cho bởi Môi-se; còn ân điển và chân lý thì đến bởi Chúa Jêsus Christ (Giăng 1:17). 

Dầu vậy, Cựu Ước cũng có Ðức Chúa Trời tha tội người ta là vì ban cho ân điển, chớ không phải vì theo luật pháp (Thi Thiên 32:; 130:;143:). 

Thủy tổ dầu phạm tội, song Chúa vẫn ban ơn, hứa cho hưởng ân điển (Sáng thế ký 3:14, 21); 

Nô-ê được ơn (Sáng thế ký 6-8); 

Áp-ra-ham cũng được ơn (Sáng thế ký 15:1, 8); 

Môi-se cũng được ơn (Xuất Ê-díp-tô ký 33:17); 

Y-sơ-ra-ên, dân lựa chọn, cũng được ơn (Xuất Ê-díp-tô ký 19:5). 

Các tiên tri làm sách cũng chú trọng đến ân điển, hằng nói Ðức Chúa Trời đãi người Y-sơ-ra-ên có ân điển vô cùng (Ê-sai 63:7). 

Dẫu Chúa phải nổi giận vì họ phạm tội, song Ngài cũng đem lòng thương xót (Ga-la-ti 3:31,32; Giô-ên 2:13; Mi-chê 7:18, 19; Ha-ba-cúc 3:2). Tiếc rằng họ luôn được ơn Chúa, nhưng thường hay phụ nghĩa vong ân (Ê-sai 43:21-25; 44:1-5; 48:8-11; Giê-rê-mi 18:8-11; Ê-xê-chi-ên 16: và coi thêm Thi Thiên 78:).

II. Tân Ước.

Chữ "ân điển" nói trong Tân Ước đáng chú trọng hơn trong Cựu Ước; vì Phao-lô thích dùng chữ "ân điển" nầy lắm. Thơ của Phao-lô thường thường dùng "ân điển" làm lời mở đầu và kết luận. Chữ "ân điển" đó là nói gồm hết ích lợi mà Ðức Chúa Trời đã nhơn Ðấng Christ mà ban cho. Chữ "ơn" nói trong bốn sách Tin Lành không phải chỉ về ý như Phao-lô đã nói, trừ ra Giăng 1:14-17. 

Trong sách Sứ đồ có vài chỗ nói đến ân điển thấy gần giống ý của Phao-lô; song xét ra chưa chắc đã không có nơi khác (Công vụ các sứ đồ 6:8; 11:23; 13:43;14:3; 15:11; 20:24, 32). 

Thơ Hê-bơ-rơ, I Phi-e-rơ, II Phi-e-rơ, Giu-đe, II Giăng, Khải Huyền đều có chữ ân điển đó. 

Luận về ân điển ấy, có hai chỗ cần yếu là Tít 2:11-14; Rô-ma 5:16, ta nên tra cứu kỹ càng. Phao-lô đi Ða-mách, giữa đường gặp Chúa, mới hiểu thấu ân điển lớn lao của Ngài (I Cô-rinh-tô 15:9, 10; I Ti-mô-thê 1:13-16), nên ông cho việc làm chứng về ân điển trong đạo Tin lành là thiên chức của mình (Công vụ các sứ đồ 20:24).

Ân điển trái với tội lỗi.-- Ðức Chúa Trời lấy ân thắng tội (Rô-ma 5:20; 6:1, 15). Ấy vậy, điều mà luật pháp không thể làm trọn, thì ân điển làm cho được trọn (Rô-ma 7:7-8:4). Phao-lô luôn nói người xưng công bình được cứu là nhờ ân điển, chớ không phải nhờ theo luật pháp (Ê-phê-sô 2:8; Tít 2:11; Rô-ma 4:2-8; 11:6; Ga-la-ti 2:16-21). 

Vì luật pháp sanh ra sự giận, thế là trái nghịch với ân điển (Rô-ma 3:19-26; 4:15; Ga-la-ti 5:4). Vậy nên ai tin Chúa Jêsus, nấy được nhận lãnh ân điển và sự ban cho công bình (Rô-ma 5:17). 

Phao-lô nói đến ân điển của Ðức Chúa Trời hai mươi hai lần, nói đến ân điển Ðấng Christ mười lăm lần, xét ra có bốn yếu chỉ nầy:

1. Ân điển Ðấng Christ là rất lạ: hạ mình, khiêm nhường (II Cô-rinh-tô 8:9; Phi-líp 2:5-8; Ga-la-ti 2:21).

2. Ân điển Ðấng Christ là được nhưng không chớ không phải phí tổn gì (Rô-ma 3:24; 4:4; 11:6; Ê-phê-sô 2:8).

3. Ân điển Ðấng Christ thắng tội lỗi (Rô-ma 5:15, 20). 

Có hai thuyết: 

(a) Ân điển chẳng những tha tội, mà lại có thể xưng công bình (Ê-phê-sô 1:7; Rô-ma 3:24; 5:21; Ga-la-ti 2:21), 

(b) Ân điển cất bỏ cái ách tội lỗi (Rô-ma 6:14).

4. Ân điển Ðấng Christ giàu có không đo được (Ê-phê-sô 1:7; 3:8; Rô-ma 5:17; II Cô 4:15). Cho nên Phao-lô muốn nói bao gồm mọi thứ hạnh phước của Ðấng Christ trong một lời nầy: "Nguyền xin ơn của Ðức Chúa Jêsus Christ ở với anh em". (Rô-ma 16:20; I Cô-rinh-tô 16:23; Ga-la-ti 6:18; Phi-líp 4:23; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:28; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:18; II Ti-mô-thê 4:22; Phi-lê-môn 25).

Tiến sĩ Scofield có lời ghi chú về Giăng 1:16 "ơn càng thêm ơn". 

Tóm tắt lại:

I. Ơn là "lòng nhơn từ của Ðức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta, và tình yêu thương của Ngài đối với mọi người...không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm..." (Tít 3:4, 5). Ấy vậy, ân điển vẫn trái với luật pháp, vì dưới luật pháp, Chúa đòi sự công bình nơi loài người, song dưới ân điển, Chúa ban sự công bình cho loài người (Rô-ma 3:21, 22; 8:4; Phi-líp 3:9). 

Luật pháp can thiệp với Môi-se và việc làm ân điển can thiệp với Ðấng Christ và đức tin (Giăng 1:17; Rô-ma 10:4-10). 

Luật pháp chúc phước người tốt lành; ân điển cứu rỗi người gian ác (Xuất Ê-díp-tô ký 19:5; Ê-phê-sô 2:1-9). 

Luật pháp đòi phải làm để lãnh phước; ân điển là sự ban cho nhưng không (Phục truyền luật lệ ký 28:1-6; Ê-phê-sô 2:8; Rô-ma 4:4, 5).

II. Thời đại ân điển:

bắt đầu từ sự chết và sự sống lại của Ðấng Christ (Rô-ma 3:24-26; 4:24-25). Trung tâm điểm của sự thử biết thật được cứu rỗi không phải là vâng lời luật pháp, song là nhận hay chối Ðấng Christ với kết quả của sự cứu đó là những việc lành (Giăng 1:12, 13; 3:36; Ma-thi-ơ 21:37; 22:42; Giăng 15:22, 25; Hê-bơ-rơ 1:2; I Giăng 5:10-12).

Lúc đó, kết quả ngay của sự thử biết đó là người Do thái chối bỏ Ðấng Christ, và với người ngoại bang cùng đóng đinh Chúa trên cây thập tự (Công vụ các sứ đồ 4:27). Theo lời tiên tri, sự thử loài người trong thời đại ân điển nầy sẽ có kết quả là Hội Thánh bề ngoài sẽ chối bỏ chúa (II Ti-mô-thê 3:1-8:4:3-4), và bị đoán phạt như chép trong sách Khải Huyền v.v... 

III. Sự cứu rỗi được tỏ ra hai cách: 

Trong sự cứu rỗi (Rô-ma 3:24) và trong sự bước đi hầu việc của người được cứu (Rô-ma 6:15). Có sáu thời đại khác nữa: 

vô tội (Sáng thế ký 1:28); 

lương tâm (Sáng thế ký 3:23); 

loài người quản trị (Sáng thế ký 8:21); 

lời hứa (Sáng thế ký 12: 1); 

luật pháp (Xuất Ê-díp-tô ký 19:19); 

nước Chúa (Ê-phê-sô 1:10).

Mục sư: Lê Văn Thái

0 comments:

Post a Comment

 
Top