"Con có thấy một người cần mẫn trong công việc của mình không? Người ấy sẽ đứng trước mặt các vua, chứ không phải trước mặt những người tầm thường đâu", câu nói tưởng chừng đơn giản của vị vua trị vì đất nước Do Thái - Solomon lại là bí kíp giúp ông trở thành người giàu có nhất thế gian.


Vua Solomon có thể giúp bạn hạnh phúc hơn, thành công hơn và giàu có hơn như thế nào? Toàn bộ bí kíp này sẽ có trong cuốn sách "Người giàu nhất thế gian" của tác giả Steven K.Scott.


Hãy tưởng tượng tiền lương của bạn đang ở dưới mức trung bình được tăng lên hơn 600.000 đôla một tháng. Hãy tưởng tượng trong sáu năm sau khi tốt nghiệp đại học, bạn đã mất việc tới 9 lần và khi bắt đầu công việc thứ mười, bạn thực hiện thành công hàng loạt thương vụ trị giá hàng triệu đôla, đạt doanh thu hàng tỷ đôla. Hãy tưởng tượng bạn đã làm được tất cả những điều này nhờ các lời dạy của Solomon trong sách Châm Ngôn của kinh Cựu Ước. Vậy chúng ta hãy làm một phép so sánh:


Quá khứ: Thu nhập thấp hơn một nửa mức thu nhập trung bình của một người Mỹ.


Tương lai: Thu nhập mỗi năm tăng từ 18.000 đôla lên hơn 7 triệu đôla.


Quá khứ: Doanh nghiệp thất bại, vô phương cứu chữa (tỷ lệ thành công là 0%).


Tương lai: Tỷ lệ thành công trung bình trong 29 năm sự nghiệp của hơn 60% doanh nghiệp trong một ngành công nghiệp chỉ đạt dưới 1%.


"Những gì xảy ra khi làm trái lời khuyên của Solomon khiến tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự đúng đắn của chúng", Steven K.Scott viết. Sau ba lần không nghe theo lời cảnh báo của Solomon, ông đã mất hàng triệu đô la vì những quyết định đầu tư sai lầm, trong khi nếu làm theo thì ông đã không mất một xu nào.


"Tôi bỏ qua lời khuyên của Solomon về những mối quan hệ và phải chứng kiến kết cục đáng buồn của cuộc hôn nhân rất tuyệt vời của mình. Sau đó, khi làm theo lời khuyên của ông, tôi đã hàn gắn lại với vợ và cuộc sống vợ chồng tôi ngày nay hạnh phúc hơn bao giờ hết.



Bill Gates thành công nhờ vận dụng châm ngôn của Solomon. Ảnh:Microsoftwatch. 


Nếu việc làm theo lời khuyên của Solomon chỉ có tác dụng một vài lần, chúng ta sẽ coi đó là sự trùng hợp. Nếu bỏ qua lời khuyên và lời cảnh báo của ông, chúng ta gặp phải một số trở ngại không đáng kể, chúng ta sẽ xem đó là tình cờ. Tuy nhiên, khi làm theo lời khuyên của ông, bạn và nhiều người khác liên tục đạt được những thành công quan trọng trong cuộc sống, trong kinh doanh, và ngược lại, nếu không làm theo lời cảnh báo của ông sẽ phải gánh chịu các kết cục tồi tệ, thì thậm chí cả những kẻ hoài nghi nhất cũng phải chấp nhận điều mà các vị vua và hoàng hậu khôn ngoan trên thế giới từng công nhận - Solomon là người khôn ngoan nhất trong lịch sử".


Giống như những quy luật vật lý điều hành vũ trụ, Solomon tiết lộ "quy luật của cuộc sống" ngầm điều khiển tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Mỗi khi bạn bước lên máy bay, quy luật vật lý về trọng lực và khí động lực học điều khiển điểm đến cuối cùng của bạn. Nếu hoa tiêu và máy bay vận hành theo những quy luật đó, bạn sẽ đến đích an toàn. Nếu vì một lý do nào đó, chúng không tuân theo các quy luật kể trên, bạn sẽ bắt buộc phải quay về mặt đất.


Dù bạn cảm thấy thế nào về các quy luật này ghét, ưa thích, chú ý đến chúng, chúng vẫn tồn tại, kiểm soát, điều khiển hành trình của bạn. May mắn thay, hoa tiêu, những kỹ sư hàng không, những nhà thiết kế máy bay đã nắm bắt được chúng và sử dụng chúng phục vụ cho lợi ích của con người. Họ có thể tạo ra những chiếc máy bay có vận tốc lớn hơn, an toàn hơn và giúp chúng ta thấy thoải mái trong suốt hành trình. Nếu họ bỏ qua những quy luật này thì không có chiếc máy bay nào có thể cất cánh được.


Nếu trong vũ trụ tồn tại những quy luật vật lý thì trong cuộc sống cũng có các quy luật chính xác và đúng đắn. Dù bạn ghét hay ưa thích chúng, chúng vẫn tồn tại và kiểm soát cuộc sống của bạn. Trong sách Châm Ngôn, Solomon cho chúng ta biết và hướng dẫn cách sử dụng những quy luật này. Những quy luật về trọng lực và khí động học luôn luôn tồn tại, nhưng con người không thể bay nếu không nắm bắt đầy đủ về chúng. Chúng là những kiến thức cơ bản nhất để thực hiện khát vọng bay của con người.


Quy luật của đời sống cũng xưa cũ như bản thân cuộc sống của con người vậy. Nếu bạn không nhận thức được chúng, bạn sẽ tự hạn chế khả năng tìm kiếm hạnh phúc, sự hoàn thiện, mục đích và thành công thật sự của mình. Cũng có nhiều người vô tình hành động theo những quy luật này và đạt được thành công, hạnh phúc ở một mức độ nào đó. Nhưng thông thường, việc thiếu kiến thức về những quy luật nói trên sẽ tạo ra các trở ngại không thể vượt qua trong quá trình tìm kiếm thành công và sự hoàn thiện. Những ai nắm được các quy luật và cách ứng dụng chúng trong chuyến bay của cuộc đời sẽ đạt được mục đích, thành công và hạnh phúc - những thứ mà người khác chỉ dám mơ tới. Cuộc sống lấy mục đích làm động lực sẽ trở thành cuộc sống đạt được mục đích như mong muốn.


Lời cầu nguyện của Solomon


Solomon sinh vào khoảng năm 974 trước Công nguyên. Năm 12 tuổi, ông được cha - vua David − truyền lại ngôi báu. Solomon lo sợ rằng mình không đủ khôn ngoan để trị vì đất nước Do Thái. Theo kinh Cựu Ước, Đức Chúa Trời xuất hiện và phán với Solomon: “Hãy xin điều ngươi muốn ta ban cho ngươi.” Solomon thưa: “Xin Chúa ban cho con sự khôn ngoan và hiểu biết để con lãnh đạo muôn dân vì ai có thể cai trị dân tộc lớn lao này của Chúa”.


Đức Chúa Trời phán rằng: “Vì ngươi có lòng như vậy, không xin giàu có, của cải, danh vọng, mạng sống của những kẻ thù, và cả tuổi thọ cho mình, mà xin sự khôn ngoan và hiểu biết để cai trị muôn dân dưới mình nên ta sẽ ban cho ngươi. Ta cũng sẽ ban cho ngươi của cải, giàu có, danh vọng mà không một vị vua nào trước hay sau ngươi được như vậy”.


Những lời hứa của Đức Chúa Trời đã được thực hiện. Sự khôn ngoan, thành công và của cải của Solomon tăng lên ngoài sức tưởng tượng. Về của cải, nếu đổi ra đồng đôla ngày nay thì vị vua này đã trở thành "nghìn tỷ phú". Ngoài số vàng dự trữ trị giá hàng trăm tỷ đô la theo giá thị trường ngày nay, ông còn sở hữu 4.000 chuồng ngựa, xe ngựa và thuê đến 12.000 người giữ ngựa. Những người trị vì các quốc gia trên khắp thế giới tìm kiếm các lời khuyên của ông và trả thù lao hậu hĩnh. Tuy nhiên, khi vào tuổi trung niên, ông bắt đầu vi phạm những quy luật, nguyên tắc và chiến lược ông đã thu nhận được một cách khôn ngoan trong sách Châm Ngôn. Do đó, thành công và hạnh phúc ông đạt được đã tan thành mây khói. May thay, ông đã sao chép lại phần lớn những quy tắc sống trong sách Châm Ngôn đó.


Giải mã những lời khuyên của Solomon


Mỗi câu châm ngôn đều cho ta một cái nhìn rõ ràng. Giá trị thật sự của một lời châm ngôn ẩn sâu dưới bề mặt của ngôn từ. Solomon đã khuyên chúng ta tìm kiếm sự khôn ngoan và hiểu biết như tìm kiếm vàng bạc hay châu báu ẩn giấu dưới lòng đất. Tức là, chúng ta phải nhìn ra bản chất nằm dưới bề mặt, bối cảnh của câu châm ngôn và sắc thái ngôn từ của tiếng Do Thái trong bản gốc của sách Châm Ngôn. Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể thấy những câu châm ngôn có giá trị hơn khi nhìn từ góc độ ngược lại. Và cuối cùng, chúng ta phải xem xét câu châm ngôn trên quan điểm rộng mở hơn chứ không chỉ dựa vào nghĩa hẹp của ngôn từ. Nếu làm được như thế, chúng ta không chỉ khám phá các quy tắc sống của Solomon mà còn có thể tìm ra những kho báu mà ông nói đến, những kho báu tồn tại mãi mãi bên cạnh sự hữu hạn của đời người.


Tác giả Scott viết: Bản thân tôi không phải là người duy nhất thực hiện được ước mơ nhờ làm theo lời khuyên của Solomon. Tôi thích đọc tiểu sử của những người đạt được thành công phi thường trong lịch sử cũng như trong thế giới hiện đại. Tôi phát hiện rằng, họ thành đạt là vì quan điểm và hành động của họ phản ánh những lời dạy của Solomon, dù có người chưa đọc nó bao giờ. George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, Henry Ford và Thomas Edison từng là độc giả của sách Châm Ngôn.


Khi quan sát cuộc đời của các thần tượng trong thế giới hiện đại như Bill Gates, Sam Walton, Helen Keller, Steven Spielberg và Oprah Winfrey, tôi nhận ra rằng họ cũng thực hiện được ước mơ nhờ làm theo những điều mà Solomon đã khuyên. Tôi cũng từng chứng kiến tai họa ập xuống những con người, những công ty và những quốc gia khi họ làm trái với lời răn của Solomon. Adolf Hitler từng có thể lôi kéo cả một quốc gia bởi người dân ở quốc gia đó đã làm trái với lời răn của Solomon. Mỹ đã bị đánh đuổi khỏi Trân Châu Cảng. Những nhà điều hành của tập đoàn lớn thứ bảy ở Mỹ đã khiến cho nó trở thành tập đoàn lớn nhất bị phá sản trong lịch sử nước Mỹ. Tất cả những điều đó xảy ra cũng do làm trái lời khuyên của Solomon.


Sự khôn ngoan của Solomon sẽ mang đến cho bạn những gì?Vậy quan điểm và lời dạy của Solomon mang lại lợi ích gì cho bạn trong nghề nghiệp, các mối quan hệ, và cuộc sống? Dù bạn nghĩ thế nào, những lời khuyên đó vẫn ích lợi nhiều hơn thế. Khi làm theo lời răn dạy của Solomon, bạn có thể thu được sự hiểu biết; sự chín chắn; sự đánh giá chính xác; sự an toàn; thành công; sức khỏe; tuổi thọ; sự tôn trọng; sự giàu có; sự yêu thích của những người lãnh đạo; những lời khen ngợi và thăng tiến; tài chính dư giả; sự tự tin; cá tính mạnh mẽ; sự dũng cảm; những kết quả phi thường; sự hoàn thiện cá nhân; những mối quan hệ tuyệt vời; một cuộc sống thật sự có ý nghĩa; tình yêu và sự ngưỡng mộ của người khác; sự đồng cảm; sự khôn ngoan thật sự.


Trở thành người duy nhất trong một nghìn người đạt được những thành công phi thường. Khi nỗ lực theo đuổi bất kỳ mục tiêu nào, chúng ta đều có thể đón nhận các kết quả không ngờ tới, hoặc tuyệt vời, tốt đẹp, ổn thỏa, hoặc tồi tệ, khủng khiếp, thảm khốc. Khi ngoài 50 tuổi, tôi đã trải nghiệm tất cả những kết quả này trong cuộc sống, trong công việc và tài chính.


Khi nghiên cứu tiểu sử những người thành công nhất trong lịch sử, tôi phát hiện họ cũng từng trải qua các kinh nghiệm như vậy ít nhất là trong một giai đoạn của cuộc đời. Tuy nhiên, họ đã gặt hái được những kết quả bất ngờ. Họ đạt được điều đó cũng nhờ hiểu và sử dụng một kỹ năng tuy đơn giản nhưng có tác động lớn. Có thể kể tên một số ít người đã sử dụng kỹ năng đó như George Washington, Thomas Jefferson, Benjamin Franklin, Thomas Edison, Clara Barton, John D.Rockefeller, Henry Ford, Sam Walton, Walt Disney, Bill Gates, Oprah Winfrey và Steven Spielberg.


Đáng tiếc, trong 1.000 người thì không có đến một người biết sử dụng kỹ năng nói trên một cách đầy đủ và chính xác. Nhưng may mắn là kỹ năng này rất dễ tiếp thu. Bất cứ ai cũng có thể sử dụng, không kể xuất thân, trình độ học vấn, hay chỉ số IQ.


Tôi đang nói về một kỹ năng gọi là sự cần mẫn trong công việc. Hầu hết mọi người đều cho rằng họ hiểu sự cần mẫn là gì nhưng điều đó vẫn không đủ so với thực tế. Solomon coi sự cần mẫn là một tính cách quý hiếm như một viên kim cương mười cara vậy. Đó là vì sự cần mẫn trái ngược với bản chất của con người.


Có những tính cách hình thành nên con người. Chúng tạo ra các động lực tự nhiên, các xu hướng, điểm mạnh và điểm yếu. Tuy nhiên, sự cần mẫn không thuộc số đó. Trên thực tế, tính cách phổ biến của con người là ước vọng đạt được sự thỏa mãn ngay lập tức nhưng chỉ phải tốn ít công sức nhất. Đó là bản chất của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đi theo con đường đối mặt với nhiều trở ngại hơn và cần mẫn, chăm chỉ hơn để theo đuổi bất kỳ nỗ lực, dự án, hay mục tiêu nào. Nếu bạn phát triển, nuôi dưỡng sự cần mẫn mà Solomon đề cập, bạn sẽ đạt được những kết quả không ngờ tới ở bất kỳ giai đoạn, lĩnh vực quan trọng nào trong cuộc đời mình.


Quan điểm của Solomon về sự cần mẫn. Từ điển trong máy tính của tôi định nghĩa về sự cần mẫn là "sự nỗ lực bền bỉ, chăm chỉ khi làm việc gì đó". Tôi thích từ "bền bỉ" bởi sự bền bỉ hiển nhiên là một phần của sự cần mẫn. Tuy nhiên theo tôi "chăm chỉ" không phải là thuật ngữ chính xác nhất khi hiểu ý nghĩa lời nói của Solomon. Tôi thích sử dụng cụm từ "làm việc khôn ngoan" hơn. Nếu tôi cố gắng dùng một cái búa để chặt một cái cây, tôi cần phải chăm chỉ. Nhưng đó không phải là sự cần mẫn. Chặt cây bằng búa có thể làm tôi mất hàng giờ, thậm chí hàng ngày trong khi tôi có thể chỉ tốn vài phút nếu sử dụng một cái cưa dài. Tôi không cần phải làm việc quá chăm chỉ mà vẫn khôn ngoan hơn rất nhiều.


Từ điển máy tính cũng liệt kê những từ đồng nghĩa với sự cần mẫn như sự tỉ mỉ, sự tận tâm, sự kỹ lưỡng, và sự cẩn thận. Mặc dù tất cả các phẩm chất đó đều là những khía cạnh quan trọng của sự cần mẫn nhưng chúng không hội đủ ý nghĩa mà Solomon muốn truyền đạt.


Cùng với các phẩm chất trên, để có thể hiểu điều Solomon ngụ ý trong từ "cần mẫn", chúng ta cần biết thêm những từ ngữ mà Solomon sử dụng trong Châm ngôn 20:21: "Ngay cả trẻ con cũng được biết đến qua hành động, trong cách cư xử của chúng, trong sạch hay ngay thẳng." Solomon sử dụng từ "trong sạch" không bao hàm ý nghĩa về giá trị đạo đức hay chủng tộc mà muốn nói về công việc ở dạng thuần khiết nhất của nó.


Từ này giống với một thuật ngữ thuộc ngành mỏ hơn là về chủng tộc (Solomon thường sử dụng những thuật ngữ về mỏ trong các cuốn sách của mình). Hãy hình dung là bạn phải đào mỏ để tìm vàng, bạn sẽ làm gì? Bạn phải đào rất nhiều bùn đất. Bạn tìm thấy một hòn đá to và cho nó vào một lò lửa rất nóng. Các tạp chất sẽ nóng chảy và những gì còn lại sẽ là vàng nguyên chất. Đó là khía cạnh "trong sạch" của sự cần mẫn. Tóm lại, hãy nỗ lực đầu tư từng ngày, từng giờ và từng phút của bản thân để thu được những kết quả trong sạch.


Một khía cạnh khác của sự cần mẫn là "chuẩn xác". Cần mẫn không chỉ là làm việc kiên trì, bền bỉ và khôn ngoan mà còn là làm việc chuẩn xác, nhanh chóng và hiệu quả. Nói cách khác, làm việc đúng tiến độ với tiêu chuẩn cao nhất có thể (bất kể yêu cầu hay kỳ vọng thế nào). Nó cũng có nghĩa là dùng sự sáng tạo, kiên trì và nguồn lực bên ngoài để cố gắng đạt được những thành quả phi thường.


Sự cần mẫn là một kỹ năng có thể học hỏi. Nó bao gồm: sự kiên trì có tính sáng tạo, sự nỗ lực làm việc khôn ngoan và thực hiện chuẩn xác nhằm thu được kết quả cao nhất. Nếu bạn tự nhủ: "Tôi không phải là kiểu người sáng tạo hay kiên trì", tôi sẽ nói rằng bạn có thể trở thành người như vậy bằng cách phát triển kỹ năng cần mẫn của Solomon.


Theo Solomon, bất cứ ai cũng có thể phát triển kỹ năng đó. Hãy nhớ, ông nói rằng: "Ngay cả trẻ con…". Khi phát triển kỹ năng cần mẫn, chúng ta có thể sử dụng nó trong bất kỳ lĩnh vực quan trọng nào của cuộc sống để đạt được những thành quả không ngờ. Chúng ta có thể sử dụng nó để biến cuộc hôn nhân không hạnh phúc thành cuộc hôn nhân tuyệt vời; biến sự nghiệp đã tốt đẹp thành tuyệt vời và thương vụ thất bại thành thương vụ thành công.


Nghe có vẻ phức tạp nhưng đó là do sự cần mẫn bao gồm rất nhiều phẩm chất. Vì thế nó thật sự rất quý hiếm. Chúng ta sẽ thấy dễ hiểu hơn với một minh họa đơn giản sau.


Khi là sinh viên đại học năm thứ nhất, tôi là một chỉ huy trung đội. Chỉ huy của 39 trung đội còn lại đều là những sinh viên năm giữa hoặc năm cuối. Năm nào cũng có một cuộc tranh tài giữa 40 trung đội. Trước cuộc tranh tài, một sĩ quan nghĩ rằng trung đội của anh ta sẽ thắng lớn vì luyện tập cần mẫn từ bảy giờ sáng trong cả năm qua. Anh ta không hề biết rằng, hàng tuần, trung đội của tôi đều có mặt vào sáu giờ sáng và luyện tập hai tiếng chứ không phải một. Anh ta cũng không biết rằng, trong suốt thời gian đó, tôi đã huấn luyện cho trung đội của mình những kỹ thuật rất phức tạp. Ba mươi thành viên của trung đội tôi đều luyện tập cần mẫn để nâng cao các kỹ năng này.


Cho đến khi cuộc tranh tài bắt đầu, chúng tôi đã luyện tập được gấp đôi thời gian. Kết quả mà nhiều người không ngờ tới là trung đội tôi thắng lớn. Tôi trở thành sinh viên năm thứ nhất duy nhất trong lịch sử của trường Đại học bang Arizona chỉ huy một trung đội giành chiến thắng trong cuộc tranh tài huấn luyện hằng năm. Tôi được đặt biệt danh “Thanh niên huấn luyện của năm”, được lái một chiếc máy bay chiến đấu trong 90 phút và được nhận học bổng để trang trải ba năm học còn lại ở trường. Dĩ nhiên, công bằng mà nói, toàn trung đội tôi đều chiến thắng. Chúng tôi làm được điều đó không phải bởi chúng tôi khôn ngoan hơn hay được huấn luyện tốt hơn mà do chúng tôi thật sự cần mẫn.


Lựa chọn con đường ít gặp phải trở ngại nhất là bản chất của con người. Theo Solomon, chúng ta cần được khuyến khích để lựa chọn sự cần mẫn thay vì bản tính tự nhiên "trôi theo dòng nước". Vậy sự khuyến khích ở đây là gì? Ông đã nói, sự cần mẫn thật sự mang lại cho chúng ta các phần thưởng vô giá và nếu thiếu nó chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng. Sau đây là bảy phần thưởng mà ông hứa hẹn.


Bạn sẽ có được lợi thế vững chắc


Bạn muốn mình sẽ có được lợi thế vững chắc hay một trở ngại lâu dài? Solomon đảm bảo rằng những ai thật sự cần mẫn sẽ nhận được một lợi thế mà người khác không thể có được. Ông nói: "Kế hoạch của người cần mẫn chắc chắn sẽ đưa đến sự dư dật." (Châm ngôn 21:5) Dù chúng ta đang cạnh tranh với các công ty, các cá nhân, hoàn cảnh, hay đơn giản chỉ là thời gian, sự cần mẫn sẽ mang lại cho chúng ta lợi thế có một không hai dẫn đến năng suất, thành quả, của cải, sự hoàn thiện nhiều hơn.


Bạn sẽ kiểm soát hoàn cảnh thay vì để hoàn cảnh kiểm soát bạn


Bạn có muốn ông chủ của bạn hay những người khác sẽ kiểm soát cuộc đời bạn hay không? Solomon nói: "Bàn tay người siêng năng sẽ cai trị nhưng kẻ lười biếng sẽ phải lao dịch." (Châm ngôn 12:24) Người thật sự cần mẫn không chỉ kiểm soát tương lai của mình mà còn đề cao thành tựu của những người xung quanh.


Bạn sẽ đạt được sự đầy đủ thật sự


Người Mỹ ngày nay nợ nhiều hơn và ít tiết kiệm hơn người Mỹ trước đây. Dù chúng ta có bất cứ thứ gì, dường như chẳng bao giờ là đủ. Sự thỏa mãn và sự đầy đủ thật sự cũng hiếm hoi như trúng số vậy. Trái lại, Solomon nói với chúng ta rằng: "Linh hồn kẻ lười biếng mong muốn nhưng chẳng được gì; linh hồn người siêng năng được đầy đủ.” (Châm ngôn 13:4) Khi sử dụng từ "linh hồn", Solomon đề cập đến phần sâu thẳm nhất trong bản thân mỗi người, điểm tựa của tính cách và cảm xúc. Hãy tưởng tượng bạn đang rất thỏa mãn, rất đầy đủ và không cần đòi hỏi một thứ gì khác nữa. Đó chính là sự đầy đủ mà người cần mẫn sẽ được hưởng.


Bạn sẽ được lãnh đạo tôn trọng và chú ý


Trong khi những người khác luôn phải giành giật sự chú ý, người cần mẫn luôn được những người có quyền lực hay người xuất chúng chú ý. Đó chính là điều mà Solomon ngụ ý khi ông nói rằng người cần mẫn trong công việc "sẽ đứng trước mặt các vua" (Châm ngôn 22:29). Thành tựu của họ khiến họ trở thành ngôi sao toả sáng thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh.


Nhu cầu của bạn sẽ được đáp ứng


Những người làm việc cần mẫn trong lĩnh vực chuyên môn của mình sẽ đạt được thành công đáng kể để thỏa mãn nhu cầu. Trong Châm ngôn 28:19, Solomon viết: "Người nào cày ruộng mình sẽ được đầy thực phẩm, những kẻ theo đuổi hư không sẽ bị nghèo khó”. Ở đây, ông cũng muốn răn dạy chúng ta rằng, nếu từ bỏ nỗ lực trong lĩnh vực của mình để đi theo những người không có tương lai hoặc làm theo lời khuyên của họ, bạn sẽ chệch hướng trên con đường tìm đến sự hiểu biết. Điều này có nghĩa là đừng để sự hào nhoáng của những con người bề ngoài có vẻ thành công và các kế hoạch làm giàu quá nhanh đánh lừa bạn.


Bạn sẽ đạt được sự thành công ngày càng lớn hơn


Solomon đảm bảo với chúng ta rằng người làm việc cần mẫn sẽ gặt hái thành công ngày càng lớn. Nhưng nếu chúng ta kiếm được tiền quá dễ dàng mà không cần nỗ lực thì số tiền đó rồi cũng sẽ mất đi. Ông nói: "Của cải phi nghĩa sẽ hao mòn nhưng người nào thu góp từng chút sẽ thêm nhiều.” (Châm ngôn 13:11) Dù khó tin, nhưng hầu hết người trúng xổ số đều nhanh chóng mất tất cả khoản tiền thưởng. Thậm chí những người đánh bạc dù may mắn thắng lớn cuối cùng cũng mất hết số tiền đó và kết thúc cuộc đời trong cảnh nợ nần.


Nỗ lực của bạn sẽ đem lại lợi ích


Solomon hứa hẹn rằng mọi lao động cần mẫn đều đem lại lợi ích – đó là đạt được mục tiêu và những phần thưởng về tài chính. Trong Châm ngôn 14:23, ông nói rằng: "Mọi lao động đều đem lại lợi ích nhưng lời nói suông chỉ dẫn đến nghèo khổ." Bạn và gia đình mình sẽ đạt được sự no đủ bằng những nỗ lực trong hôn nhân, trong thực hiện vai trò làm cha mẹ. Bạn cần phải lao động cần mẫn. Bạn cần có tầm nhìn, sự sáng tạo, cam kết và hợp tác có hiệu quả. Về cơ bản, Solomon muốn đưa ra thông điệp: nếu công việc không hiệu quả hoặc hôn nhân không như mong đợi, có thể do bạn chưa nỗ lực hết mình. Sự cần mẫn trong bất cứ lĩnh vực nào cũng luôn mang lại lợi ích cho bạn.


Hậu quả của sự không cần mẫn


Những động lực lớn nhất trong cuộc sống là mong ước có được mọi thứ và lo sợ sẽ mất đi mọi thứ. Solomon khuyến khích chúng ta nên có cả hai động lực đó. Nếu như bảy phần thưởng của ông không khiến bạn có đủ động lực cần thiết để theo đuổi sự cần mẫn thì có lẽ hậu quả của việc không cần mẫn sẽ thúc đẩy bạn tiến lên.


Bạn sẽ luôn luôn gặp phải những trở ngại không thể vượt qua


Người cần mẫn dành tất cả thời gian họ cần để hoạch định, chuẩn bị và hoàn thành công việc thật xuất sắc trong khi người không cần mẫn thì không thể. Họ có xu hướng "bắn trượt" và kết quả là họ sẽ thất bại. Solomon nói: "Kế hoạch của người cần mẫn chắc chắn sẽ đưa đến dư dật nhưng mọi kẻ hấp tấp sẽ gặp phải sự thiếu thốn." (Châm ngôn 21:5)


Tôi từng năm lần làm mất khoản tiết kiệm của mình vì hành động hấp tấp. Hai lần đầu, tôi mất 20 nghìn đô la mỗi lần. Ba lần tiếp theo, tôi mất đến hàng triệu đô la. Tương tự, con trai tôi cũng đã mất một khoản tiền tiết kiệm khi hành động hấp tấp và không nhờ tôi hay những người khác tư vấn. Nếu cả hai chúng tôi đều hành động cần mẫn thay vì hấp tấp thì con trai tôi đã có một tài khoản tiết kiệm khá lớn, còn tôi đã có thêm hàng triệu đô la trong tài khoản.


Bạn sẽ bị điều khiển


Không ai muốn bị một người khác kiểm soát cuộc sống của mình. Tuy nhiên, Solomon nói rằng: "Bàn tay người siêng năng sẽ cai trị nhưng kẻ lười biếng sẽ phải lao dịch." (Châm ngôn 12:24) Ai sẽ là người quyết định tương lai của bạn? Bạn sẽ kiếm được bao nhiêu tiền? Bạn sẽ được thăng chức, bị bãi nhiệm hay bị sa thải? Thậm chí, đối với doanh nghiệp, nếu không cần mẫn, họ sẽ bị chính khách hàng và đối thủ cạnh tranh điều khiển.


Bạn luôn mong muốn nhưng không bao giờ đạt được điều gì


Trong khi người cần mẫn cảm thấy những nhu cầu cao nhất của họ được thỏa mãn và hết sức mãn nguyện, người không cần mẫn luôn mong muốn nhưng không đạt được điều gì. Trong Châm ngôn 13:4, Solomon không chỉ nói với chúng ta rằng linh hồn của người siêng năng được đầy đủ, ông còn răn rằng "linh hồn kẻ lười biếng mong muốn nhưng không được gì”. Với những kẻ thiếu cần mẫn, cuộc sống sẽ không bao giờ được đầy đủ.


Bạn sẽ trở thành người thiếu hiểu biết


Ngày nay, trên các kênh truyền hình, chúng ta thấy nhiều người hứa hẹn rằng bạn sẽ giàu có mà không phải bỏ ra chút công sức nào. Bạn có thể mua bất động sản mà không cần phải bỏ tiền hay kiếm được hàng nghìn đô la trong những vụ giao dịch chứng khoán dù không có một xu nào trong tài khoản tiết kiệm... Solomon cảnh báo rằng những người làm ăn theo kiểu chộp giật và theo đuổi các kế hoạch làm giàu nhanh chóng chỉ là những kẻ ngu dốt. "Người nào cày ruộng mình sẽ được đầy thực phẩm, nhưng kẻ theo đuổi hư không sẽ bị nghèo khó." (Châm ngôn 28:19)


Tài sản và những gì đảm bảo cho cuộc sống của bạn sẽ nhanh chóng biến mất. Của cải phi nghĩa sẽ hao mòn nhưng người nào thu góp từng chút sẽ có thêm nhiều (châm ngôn 13:11). Solomon chỉ ra hai cách làm giàu trái ngược nhau: những người trở nên giàu có nhờ nỗ lực làm việc cần mẫn và những người làm giàu mà không phải bỏ ra chút công sức nào. Trong Châm ngôn 13:11, ông răn rằng những ai làm giàu phi nghĩa thì của cải cuối cùng cũng sẽ hao mòn.


Kết quả cho những nỗ lực của bạn chỉ là con số 0


Người cần mẫn luôn làm việc hết mình trong khi người khác liên tục nói về những gì họ sẽ làm vào một ngày nào đó. Nói ra thì quá dễ dàng mà không cần sự nỗ lực nào trong khi làm việc cần mẫn luôn đòi hỏi nỗ lực lớn. Khi người cần mẫn thu được lợi ích từ nỗ lực của mình thì những kẻ ba hoa, khoác lác chỉ làm lãng phí thời gian của bản thân và người khác. Đó là lý do vì sao Solomon nói trong Châm ngôn 14:23: "lời nói suông chỉ dẫn đến nghèo khổ".


Làm thế nào để có được sự cần mẫn thật sự trong cuộc sống


Solomon đưa ra bốn bước mà ai cũng có thể sử dụng để trở thành người cần mẫn. Tuy nhiên, có một trở ngại rất lớn mà chúng ta phải vượt qua. Đó là xu hướng cố hữu trong chúng ta khi lựa chọn con đường ít gặp trở ngại nhất.


Tính lười biếng thuộc về bản chất của con người. Hầu như không ai tự nhận mình là kẻ lười biếng. Nhưng sự thật là tất cả chúng ta đều có mầm mống của tính lười biếng. Nếu không xử lý tính cách này, chúng có thể lấy đi tất cả tiềm năng trong cuộc sống của chúng ta. Thông thường, chúng ta đối mặt với hạt giống của sự lười biếng trong một lĩnh vực nào đó của đời sống, như công việc hay sự nghiệp, và không quan tâm đến những lĩnh vực còn lại, ví dụ như hôn nhân hay mối quan hệ với con cái. Tôi từng quen biết những người có gia tài kếch sù nhưng lại không hạnh phúc trong hôn nhân. Sự cần mẫn không phải như vậy. Solomon đưa ra cách giải quyết những hạt giống của tính lười biếng và thay thế chúng bằng những hạt giống của sự cần mẫn.


Theo Solomon, có bốn nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự lười biếng là tự cho mình là trung tâm, tính kiêu ngạo (tự mãn), sự dốt nát và vô trách nhiệm. Ông thường kết hợp hai tính cách cuối và gọi chung là sự ngu ngốc.


(Trích cuốn "Người giàu nhất thế gian" do Công ty Alpha Books phát hành)

3 comments:

 
Top